Một buổi sáng đẹp trời tháng 12, tôi cùng bạn Vy Túy ghé thăm cha Phêrô Lã Quang Hiệu. Trong lúc hầu chuyện và trao đổi với Ngài tôi có hỏi:
· Thưa … Ngài vẫn còn hút thuốc Lào chứ ạ!
· Bỏ rồi, đoạn tuyệt từ năm 1986 cơ mà
· Nguyên nhân vì sao thế ạ! Theo con, hút thuốc lào cũng là nét văn hóa thuần Việt
· Đúng thế, nhưng vì sức khỏe không cho phép
Theo phong tục Việt Nam, “miếng trầu là đầu câu chuyện”, miếng trầu tuy rẻ tiền nhưng chứa đựng nhiều tình cảm ý nghĩa, giầu nghèo ai cũng có thể có. Miếng trầu như một lời chào, thể hiện lòng hiếu khách và sự tôn kính, rất phổ biến trong các lễ tế thần, lễ gia tiên, lễ cưới, lễ mừng thọ …
Miếng trầu còn tượng trưng cho sự son sắt, thủy chung vợ chồng, giúp người ta gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Miếng trầu còn nói lên lòng thành kính của thế hệ sau với các thế hệ trước, thế nên, trên mâm cỗ thờ cúng gia tiên của người Việt luôn có trầu cau.
Hút thuốc lào – nâng cao sĩ diện
Sẽ là thiếu nếu nhắc đến trầu mà không nhắc đến thuốc lào. Phần đông phụ nữ ăn trầu, còn đàn ông, thuốc lào gắn bó với họ lúc vui, buồn thậm chí suốt cả cuộc đời. Thuốc lào được hút bằng điếu ống, điếu bát … để cho tiện dụng khi xa nhà thì hút bằng điếu cày (điếu để hút thuốc trong lúc cày bừa ở đồng ruộng nên gọi là điếu cày).
Cái tập quán hút thuốc lào chính là “khúc dạo đầu” cho cuộc hội ngộ, tương phùng, có thể coi là nét văn hóa của tầng lớp xã hội làng quê thời phong kiến. Vùng nông thôn Việt Nam. Trước kia hầu như nhà nào cũng có người hút thuốc lào, khi đã hút thuốc lào thì chắc chắn sẽ say, say rồi thì mê mẩn.
Một thằng hút, bốn thằng say
Hai thằng châm đóm ngã quay ra nhà
Bà già đi chợ đường xa
Hít phải mùi thuốc say ba bốn tuần
Thêm chú gà trống ngoài sân,
Mổ nhầm bã thuốc cánh chân … cứng đờ.
Lại còn chị mái hoa mơ.
Hơi thuốc bay đến bơ phờ cả … lông.
Khói thuốc cứ toả vòng vòng.
Say hết tất cả nước trong, nước ngoài.
Tập quán hút thuốc lào ở Việt Nam
Theo Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào (Ai Lao) du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn và Đồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ tương tư). Thời xưa, ngoài miếng trầu là đầu câu chuyện, thuốc lào cũng được đem ra để mời khách.
Một số vùng, thuốc lào đã thành thương hiệu ngon nổi tiếng, như Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến An (thuộc thành phố Hải Phòng) … miền Nam có thuốc lào Cái Sắn, Xóm Mới, Gò Vấp … ở vùng ông Tạ có nhiều tiệm thuốc lào như: Vĩnh Ký, Giang Ký, Vĩnh Phúc … được quảng cáo là êm say như á phiện.
Công cụ hút thuốc lào gọi là điếu, có ba loại chính:
1.Điếu bát: gồm có bát điếu, thường làm bằng gốm, sứ là nơi chứa nước. Nõ điếu lắp ở phía trên và đục một lỗ ở gần đó để cắm se điếu vào khi hút. Se điếu phổ biến là bằng cần trúc nhỏ, đục rỗng ruột. Hút bằng điếu bát thì phải có se điếu, mất se điếu thì rõ khổ.
Điếu không se điếu lăn điếu lóc
Gái không chồng ngồi khóc cả đêm.
Bát điếu thường được làm những hoa văn hay hình vẽ cho có tính mỹ thuật, se điếu cầu kỳ thì cũng có thể chạm, khắc. Bát điếu được đặt trong một vật có hình như cái chậu nhỏ, có khi chỉ là một cái bát sắt to nhưng cũng có khi được làm bằng sơn mài rất đẹp, nó có tác dụng chứa xái (tro của thuốc lào khi hút xong) và nước từ bát điếu có thể tràn ra ngoài để giữ vệ sinh. Điếu bát không thuận lợi khi mang xách nên thường dùng để hút ở nhà.
2.Điếu cày: thân điếu hình ống, hay được làm bằng tre, nứa, ngoài ra còn làm bằng kim loại nhẹ; dài khoảng 40 – 60 cm. Một đầu của thân điếu phải kín (nếu làm bằng tre thì lợi dụng luôn mắt tre) để thân điếu có thể chứa nước, đầu kia hở dùng để hút.Vị trí gần phía đầu kín của thân điếu được khoan một lỗ để lắp nõ điếu. Nõ điếu là nơi tra thuốc lào vào để hút, thường được làm bằng các loại gỗ, kim loại có khoan lỗ để tra thuốc, và là bộ phận quan trọng nhất, tạo lên tiếng kêu giòn giã khi người ta hút thuốc.Nõ điếu lắp chếch về phía đầu dùng để hút chứ không vuông góc với thân điếu cho dễ hút.
Nếu chế tác cầu kỳ, thân điếu có thể được khảm vỏ trai hoặc chạm trổ cho đẹp mắt. Trong những năm gần đây, những chiếc điếu cày do những tù nhân chế tác rất được ưa chuộng vì tù nhân có nhiều thời gian để làm ra những chiếc điếu cày tinh xảo, dân dã, mang đậm nét thủ công.
Hút thuốc lào bằng điếu cày tiện lợi, vừa ngon vừa phát ra âm thanh giòn giã. Ngoài ra dễ mang xách, giá thuốc rẻ, lại nặng đô nên được tầng lớp bình dân, lao động dùng một cách phổ biến.
3.Điếu ống, còn gọi là điếu dóng: thân điếu tương tự điếu cày nhưng ngắn và to hơn, làm bằng gỗ quý, xương ống của động vật hoặc bằng ngà … Nó có thể đặt đứng vững được khi sử dụng chứ không cần cầm như điếu cày và có quai xách.Điếu ống được chế tác rất mỹ thuật, chạm trổ tinh xảo, nõ điếu bịt bạc, thân cũng bịt bạc hoặc khảm xà cừ nhưng xe điếu là một cần trúc rất dài, có khi tới 2m, đầu cũng bịt bạc. Loại điếu này chỉ những nhà giàu có mới dùng. Khi hút người hầu châm lửa và đưa cần cho người hút. Đi đâu, thì người hầu mang điếu đi theo. Loại điếu này hiện nay hầu như không còn được sử dụng để hút thuốc lào nữa.
Dài tầm một mét lỗ một đầu
Vò lông rồi đút cũng chẳng lâu
Thủy hỏa tương giao nghe cái phụt
Thò mồm lè lưỡi hút thật sâu
Trong quá trình sử dụng, nõ điếu bị tàn thuốc trộn với nước bám vào nên phải dùng thông điếu để thông. Cả ba loại điếu trên thường kèm theo một que bằng kim loại gọi là cái thông điếu, nhiều khi chỉ cần dùng một chiếc lông gà cũng được.
Điếu bát và điếu ống có nhiều biến thể về hình khối rất đa dạng, kết hợp với chế tác cầu kỳ, bằng vật liệu có giá trị cao nên có thể coi là một tác phẩm nghệ thuật và trở thành món đồ sưu tập made in đieu cay vietnam. của những người yêu thích.
Cách hút
Sợi thuốc lào được vê tròn lại thành viên cỡ như đầu ngón tay út và tra vào nõ điếu. Sau đó dùng lửa để đốt cho thuốc cháy tạo thành khói đồng thời dùng miệng để hút. Châm lửa, tốt nhất là dùng đóm, là những mảnh tre, nứa, chẻ nhỏ và mỏng, sau đó đem ngâm nước, phơi khô … để lửa cháy trong một khoảng thời gian vừa đủ, lại không có mùi lẫn vào như khi dùng que diêm.
Bình tròn phành phạch, đít bảnh bao,
Mân mân, mó mó đút ngay vào
Thủy hỏa tương giao sôi sùng sục
Âm dương hòa khí sướng làm sao!
Tác Giả: Hồ Xuân Hương